Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Mắt “khô héo” vì máy tính?

Việc thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính là một trong những nguyên nhân làm khô mắt. Giai đoạn đầu bệnh dễ bị bỏ qua, thế nhưng nếu không chữa trị sớm sẽ dẫn đến sự phát triển mạn tính của các bệnh lý liên quan tới bề mặt nhãn cầu và ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực.

Theo thống kê của các nhà nhãn khoa Mỹ thì ở Mỹ có đến 11% số người từ 30-60 tuổi bị khô mắt. Tỉ lệ này là 15% ở những người trên 60 tuổi. Khô mắt thường xuất hiện ở phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh, những người mắc bệnh tự miễn, thường xuyên đeo kính tiếp xúc, sau phẫu thuật LASIK điều trị tật khúc xạ.

Tại sao bị khô mắt?

Khô mắt là rối loạn của màng phim nước mắt do giảm sự chế tiết nước mắt, hoặc do sự bốc hơi quá mức của nước mắt gây tổn hại bề mặt nhãn cầu và những triệu chứng khó chịu ở mắt kèm theo.

Mắt luôn được bôi trơn, nuôi dưỡng và được bảo vệ trước những tác động bên ngoài là nhờ sự có mặt của màng phim nước mắt, mi mắt nhắm bình thường, sự chớp mắt và đồng thời cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng và số lượng nước mắt.

Màng phim nước mắt là một lớp màng rất mỏng, trong suốt. Màng này được tạo thành sau mỗi lần chớp mắt, nó làm nhiệm vụ bảo vệ và dinh dưỡng cho bề mặt của mắt. Màng này có thể bị biến đổi khi có một số các tác động như:

- Chất bảo quản của thuốc

- Dị ứng

- Viêm kết mạc

- Viêm bờ mi

- Thường xuyên đeo kính tiếp xúc

- Ô nhiễm môi trường

- Làm việc nhiều với màn hình vi tính

Người ta có thể phân loại khô mắt thành khô mắt do viêm và khô mắt không do viêm.

Khô mắt do viêm là khô mắt do tổn thương ở tuyến lệ, tổn thương bề mặt mắt (viêm bờ mi, nhiễm độc, dị ứng,…).

Khô mắt không do viêm là khô mắt do yếu tố cơ học (co quắp mi, kết mạc bị nhẽo, sa da mi) và khô mắt do thiếu hụt nước mắt.

Người bị bệnh khô mắt thường có những triệu chứng: khó chịu trong mắt, cảm giác khô, rát bỏng, cảm giác có dị vật trong mắt hay sạn trong mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đỏ mắt, có dử mắt, nhìn mờ.

Trong những năm gần đây việc thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khô mắt. Khi làm việc kéo dài với máy vi tính, mắt sẽ bị nhìn tập trung quá nhiều, giảm tần số chớp mắt, ánh sáng và phản chiếu của màn hình lên mắt. Từ đó sẽ xuất hiện các triệu chứng: mỏi cổ và gáy, mỏi mắt, ngứa và rát mắt, sợ ánh sáng, cảm giác nặng mi và nhìn mờ.

Làm sao điều trị?

Khô mắt ở giai đoạn đầu thường bị bỏ qua do triệu chứng có thể chỉ thoáng qua và không ảnh hưởng nhiều lắm đến sinh hoạt và cuộc sống. Cũng có thể có người nhầm tưởng là bị đau mắt do viêm kết mạc. Việc chẩn đoán sớm, đúng và điều trị kịp thời là rất cần thiết vì nếu không sẽ dẫn đến sự phát triển mạn tính của những bệnh lý liên quan tới bề mặt nhãn cầu và ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực.

Qua phân loại khô mắt vừa được trình bày ở phần trên, có thể thấy ba yếu tố chính gây khô mắt, đó là:

- Rối loạn nước mắt

- Quá trình viêm kết mạc

- Bệnh mi mắt

Chính vì vậy, để điều trị khô mắt chúng ta cần chú ý đến ba yếu tố trên.

Điều trị rối loạn nước mắt, ta có thể áp dụng liệu pháp thay thế nước mắt bằng tra nhỏ mắt chế phẩm nước mắt nhân tạo (VD: Refreshtear, Oculotect, Systane, Lacrynorme,…). Chúng ta cũng có thể dùng phương pháp đóng điểm lệ, thuốc ức chế miễn dịch (dung dịch tra nhỏ mắt Cyclosporin A 0,05% ). Ngoài ra, để hạn chế sự bốc hơi của nước mắt có thể đeo kính giữ ẩm.

Điều trị viêm nhiễm ở kết mạc, cần điều trị chống viêm và chống nhiễm khuẩn bằng các kháng sinh phù hợp.

Điều trị các quá trình viêm nhiễm ở bờ mi, cần vệ sinh bờ mi và điều trị viêm bờ mi (nặn tuyến bờ mi, chườm nóng bờ mi, mát-xa bờ mi và bôi trà bờ mi bằng thuốc mỡ kháng sinh).

Việc hiểu biết đúng đắn được mức độ bệnh của mình là rất quan trọng. Người bệnh cũng cần biết được một số thuốc có thể gây khô mắt khi dùng kéo dài (thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin,…). Một số yếu tố môi trường (khí hậu khô, nơi có nhiều gió) và ngồi làm việc liên tục trước màn hình vi tính cũng là những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến khô mắt.

Theo PGS.TS. Phạm Thị Khánh Vân
Nguồn: BV Mắt Trung ương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét